Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

TU SINH BÁT NHÃ CÓ THỂ KHỞI KIỆN HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÔNG VĂN 1329 CỦA BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ



Sen Việt: Sau khi đăng bài phỏng vấn thầy Thích Thanh Thắng về vụ việc Bát Nhã, Sen Việt nhận được khá nhiều phản hồi của độc giả. Nhận thấy những phản hồi ấy còn tính thời sự, nên Sen Việt tổng hợp ý kiến, tiếp tục mở một cuộc trò chuyện với thầy Thích Thanh Thắng về vụ việc này. Xin giới thiệu đến độc giả nội dung cuộc trò chuyện.
Sen Việt: Thưa thầy, thầy có ý kiến gì khi thông tin hiện nay gần như đã thống nhất gọi vụ bạo hành 400 tu sinh Bát Nhã là "Pháp nạn Bát Nhã”?
Nhắc đến “Pháp nạn”, lịch sử Phật giáo Việt Nam từng ghi nhận sự kiện đàn áp Phật giáo năm 1963 ở miền Nam, thời Tổng thống Ngô Đình Diệm nắm quyền. Giới sử học Phật giáo đã thống nhất gọi biến cố Phật giáo 1963 là “Pháp nạn”.
Trong lịch sử dân tộc, ngôi chùa bao giờ cũng mang giá trị thiêng liêng. Giá trị có chức năng giữ vững giềng mối ứng xử chung của cộng đồng. Ứng xử đó chính là “vốn xã hội”, là “bản sắc văn hóa dân tộc”, chỉ ra những tiến bộ văn hóa tinh thần trong đời sống xã hội. Nếu không phân định được các giá trị thì đời sống xã hội sẽ mất giá, hiện tượng “cụt vốn” sẽ xảy ra. Việc tấn công chùa chiền, trục xuất tu sinh trong mưa bão, cho thấy cái mất mát đó lớn hơn nhiều vấn đề mâu thuẫn lợi ích thuộc về cá nhân hay tổ chức. Đạo Phật coi trọng tương quan nhân quả, nên một xã hội mà thầy tu, thầy giáo, thầy thuốc… bị đánh đập, nhục mạ bất chấp luân thường đạo lý thì gọi là “pháp nạn” hay “quốc nạn” đều hợp lý cả.
Sen Việt:  Vụ Bát Nhã có chỉ ra sự suy yếu của đạo Phật Việt Nam hiện nay?
“Giàn vững tại cây”, nếu mỗi cây ngó đi một hướng thì nhất định cái giàn không thể vững được. Khi những cái cây kết vào làm một thì bản thân cây là giàn, giàn là cây. Nhưng lúc cây không đoàn kết, gắn bó, trở thành một với cái giàn thì đó là lúc thuận lợi nhất cho sâu mọt, nắng mưa tàn phá.
Sự suy yếu của đạo Phật Việt Nam chính là việc xa rời các nguyên tắc đoàn kết và hòa hợp. Lấy nguyên tắc này tư duy thì sẽ nhanh chóng có câu trả lời.
Nhìn vào mức độ và tính chất ứng xử thô bạo, dưới tầm văn hóa đối với 400 tu sinh, tôi nhận thấy đó không còn là chuyện riêng của thiền sư Nhất Hạnh và pháp môn Làng Mai, hay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà là chuyện chung của đạo Phật, của văn hóa ứng xử dân tộc.
Sen Việt: Chính quyền không nhất thiết phải đề cao các giá trị văn hóa tinh thần, họ chỉ cần đạt “mục đích” cuối cùng của việc làm.
Không đơn giản như vậy. Văn hóa là “siêu chính trị”, là vấn đề mà người xưa cho rằng có thể “đặt mực thước cho hậu thế”, “làm khuôn mẫu cho tương lai”. Văn hóa nâng tầm nhân cách lãnh đạo và chuẩn mực giá trị của một quốc gia, dân tộc. Giẫm đạp lên những ứng xử văn hóa mới là hành động phi chính trị. Sử thần Ngô Sĩ Liên từng nói: “Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, đó là việc đầu tiên của vương chính”. Ở điểm này, tôi suy nghĩ nhiều đến từ dùng “luân thường đạo lý” của thiền sư Nhất Hạnh trong thư gửi ngài Chủ tịch nước.
Sen Việt: Giáo hội từ trước đến nay vẫn tồn tại mà không cần có pháp môn Làng Mai.
Giáo hội này “đại diện” cho ai, cho nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử hay cho Chính quyền để nói đến vấn đề cần hay không cần? Cái chúng ta cần không phải lúc nào cũng là cái “Giáo hội” cần. Nhận thức về văn hóa, tôn giáo đối với Làng Mai như vậy là ấu trĩ. Không phải hôm qua anh ăn thấy ngon thì anh bảo pháp môn Làng Mai là hay, ngày mai anh không thấy ngon nữa thì anh bắt mọi người phải thấy nó tồi tệ giống như anh đã thấy. Việt Nam nên bước vào sân chơi WTO một cách đàng hoàng hơn. Văn hoá không phải là những bản sao từng được xác lập vị trí mà là những dòng chảy linh hoạt. Chính bản thân người Việt đang tiếp thu văn hoá thế giới ở những mức độ đa dạng khác nhau.
Sự tiếp nối với quá khứ đã bị đứt gãy do sự ngăn chặn, bồi lấp của chiến tranh, khiến cho việc định hướng văn hoá ẩn chứa nhiều nguy cơ biến dạng. Nếu vẽ lại những đỉnh cao quá khứ một cách thiếu cân nhắc và máy móc, rất có thể chúng ta phải trả giá cho những giá trị không thể tái lập trong thực tế mà chỉ có thể “an ủi” trong trí tưởng tượng. Phản ứng về sự vồ vập với những giá trị đã lỗi thời, đã cũ, đã bị người khác thải ra bằng cách bám vào và đề cao những giá trị đã không còn đủ sức để định mức về một khả năng đối thoại nhằm phát triển, rất có thể chúng ta sẽ bị lừa mị bởi những giá trị giả, những giá trị một đi không trở lại, làm xơ hoá tinh thần nhập thế tích cực của đạo Phật Việt Nam.
Sen Việt: Thầy có nghĩ rằng nguyên do sự việc cũng từ một bộ phận Phật giáo trong nước không mặn mà với pháp môn Làng Mai?
Tôi không cho rằng như vậy. Làng Mai ngày càng chứng tỏ sự cuốn hút của nó. Giáo hội vừa qua đã có nhiều cố gắng để đến gần hơn với các truyền thống tu tập khác nhau trên thế giới. Việc chúng ta tổ chức Đại lễ Phật đản LHP và sắp tới là Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo không phải để chỉ ra điều đó hay sao? Có thể còn một số điều mà cách làm của Làng Mai đã tỏ ra biệt lập. Nhưng tôi xin nhắc lại, pháp môn Làng Mai là pháp môn của người Việt. Những mâu thuẫn khi tiếp nhận giá trị mới có xu hướng hiện đại, chắc chắn sẽ vấp phải những tập quán ứng xử truyền thống. Có một số tập quán đã già nua, không còn đủ sức mạnh như khi nó trưởng thành, lại phải đối mặt với những lực hút không cưỡng lại nổi của làn sóng vật chất, buộc nó phải co cụm hay phản ứng bằng thái độ tẩy chay. Tẩy chay ngay cả những sáng tạo phù hợp có giá trị tích cực. Điều đáng nói, sự tẩy chay đó lại thường được khoác áo “cổ truyền”.
Không có gì đáng trách hơn là việc đã không phát triển được văn hóa của dân tộc lại còn gia công cắt đứt sự tiếp nối với dòng chảy lịch sử bằng chính thái độ ồn ào về bản sắc trong khi chính mình không biết bản sắc đó là cái gì. 
Sen Việt: Theo thầy, người ta có thực hiện đến cùng trong việc “truy bức” Làng Mai?
Người lãnh đạo cả trong Giáo hội lẫn thế tục nếu có tầm nhìn sáng suốt thì không bao giờ làm như vậy. Hành động đó sẽ lợi bất cập hại nếu chỉ nhìn vào những khía cạnh hạn hẹp trước mắt. Tôi nhận thấy không có gì vụng dại hơn là việc đã không lắng nghe phản biện của dư luận để sửa sai mà còn cố tình cãi chày, cãi cối để che lấp tội lỗi của mình. Đã vậy còn dùng thủ đoạn đối phó bằng cách tung tin đồn thất thiệt về đời tư của người khác, nhằm đánh lừa những người cả tin, ít học. Việc làm đó chỉ nói lên sự cũ kỹ của hạ sách mà đối phương thường dùng cho các lãnh đạo Cộng sản. Nếu nhận thức vấn đề không khá hơn thì càng dùng hạ sách này càng nhận thêm sự xa lánh của dư luận đối với truyền thông nhà nước. Khi truyền thông chính thống mà không can đảm đối mặt với sự thật thì sự giả dối đến từ mọi phía sẽ lũng đoạn đời sống xã hội.
Nói như GS Nguyễn Văn Tuấn, “nếu không quan tâm giải quyết, thì "niềm tin về Đảng" (và Nhà nước nữa) "giã từ" không chỉ một Nguyễn Đắc Xuân, mà còn giã từ hàng chục triệu Phật tử và công dân Việt Nam”.

Sen Việt: Thầy có nhận định gì về những phát biểu của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi về vụ Bát Nhã trên trang nhà Bauxite?
Tôi nhất trí với quan điểm của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi về vụ Bát Nhã. Tại sao Giáo hội lại không đưa ra một giải pháp hợp với lẽ từ bi hơn bằng cách tạo điều kiện cho những tu sinh này trực tiếp làm giấy xin tạm trú với chính quyền địa phương và tiếp tục được tu tập tại Bát Nhã?
Thực chất một nửa tiền của và công sức của Làng Mai còn nằm ở Bát Nhã. Việc Giáo hội bảo lãnh để đưa họ trở lại Bát Nhã là hoàn toàn hợp lý. Phát triển cơ sở khác trong khi tu viện Bát Nhã bị tê liệt hoạt động là việc làm vô cùng lãng phí tiền của, công sức của người Phật tử.
Chúng ta thử nghĩ xem, phản ứng của giới trí thức đối với vụ Bát Nhã liêc tục trong nhiều ngày nay chứng tỏ họ rất quan tâm đến vai trò của Phật giáo trong xã hội. Người trí thức họ nghĩ rằng Giáo hội được bầu ra, được Phật tử bốn phương tín nhiệm, là ở cái nhân cách vị tha cao cả, luôn khuyến khích chúng sinh hướng tới Phật và làm điều thiện, cũng để xã hội ngày càng thanh lọc bớt những ô trọc bởi sự vô minh, vì thế họ mong bậc tôn túc trong hàng giáo phẩm của Phật giáo Việt Nam hãy thực sự là những đóa sen trong lò lửa, để lòng ngưỡng mộ của họ với bậc tôn túc giữ được vẹn nguyên, không phân nào sút giảm.
Vậy thử hỏi Giáo hội có thể coi như không nghe, không thấy, không biết sự việc để thoái thác trách nhiệm hay không?
Sen Việt: Vậy theo thầy, Giáo hội có quan tâm đến chỗ đứng của họ không khi áp lực của dư luận, đặc biệt là của giới trí thức đang dồn về phía họ?
Cái này thì phải hỏi năng lực lãnh đạo và trách nhiệm chung của một tập thể. Tôi nhận thấy Ban trị sự Phật giáo và Tăng Ni, Phật tử tỉnh Lâm Đồng đã thể hiện rất tốt vai trò của mình, khi yêu cầu thầy Đức Nghi và đệ tử phải chịu trách nhiệm chính trong những vụ việc vừa qua.
Phản biện là xu hướng chung trong một xã hội pháp quyền. Giáo hội phản biện chính xác thì họ phải lắng nghe thôi. Một sự bất tín thì vạn sự chẳng tin. Vì vậy cũng nên có một sự trả lời rõ ràng trước niềm tin và sự kỳ vọng của dư luận, đặc biệt của giới trí thức, đừng đánh mất “tâm ban đầu” của họ. Đó cũng là thái độ trân trọng với việc làm đã qua của họ đối với Phật giáo.
Sen Việt: Nhưng Công văn 1329 của Ban Tôn giáo Chính phủ cáo buộc Tăng thân Làng Mai đã thực hiện một số việc như mở giới đàn thụ giới và một số khóa tu, bổ nhiệm trụ trì, tấn phong giáo phẩm không thông qua GHPGVN.
Công văn 1329 chỉ là một “ý kiến” sau khi Ban Tôn giáo Chính phủ nhận được văn thư của Hội đồng Trị sự GHPGVN (số 427/CV/HĐTS ngày 10/10/2008) về nội dung liên quan tới hoạt động Phật giáo của Làng Mai tại Việt Nam. Nó không phải là một quyết định được căn cứ trên luật hay pháp lệnh cụ thể nào cả. Vì thế chúng ta có thể thẳng thắn phản biện nếu thấy những đề nghị trong đó không hợp lý và không dựa trên tình hình thực tiễn của vụ việc.
“Vua không thể nói chơi”. Việc thiền sư Nhất Hạnh về nước và phát triển pháp môn Làng Mai là được sự chấp thuận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Ban Tôn giáo Chính phủ không thể biến Giáo hội thành trò hề trong vụ này.
Việc mở giới đàn thọ giới theo truyền thống của pháp môn là chuyện bình thường. Người xuất gia đủ 20 tuổi là có thể thọ đại giới tỳ kheo đúng theo luật Phật chế, nếu có đủ Tam sư, Thất chứng để tiến hành việc thọ giới. Người ta còn gọi đó là “Thọ giới Phương trượng”. Người được thọ giới lấy đó làm y cứ để tu tập, phát triển đời sống tâm linh, tinh thần. Còn việc mở giới đàn qua danh nghĩa Giáo hội chỉ là hợp thức hóa vấn đề giấy tờ để sau này cấp chứng điệp thọ giới, tăng tịch, tấn phong giáo phẩm theo quy định của Giáo hội. Nó không chứng tỏ điều gì rằng thọ giới như vậy thì anh tu hành sẽ tiến bộ hơn.
Khi kết tội này, họ không biết rằng, đã có không ít tu sinh Làng Mai thọ giới theo giới đàn của Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng.
Nói rằng bổ nhiệm trụ trì không thông qua Giáo hội là không đúng. Về bản chất, trụ trì là Phật bổ xứ. Trong một pháp môn, việc các đệ tử của pháp môn đó bầu ai đủ uy tín để đứng ra điều hành Phật sự thì Giáo hội phải tôn trọng các nguyên tắc của Tông môn trước khi ra quyết định bổ nhiệm. Thầy Đức Nghi đã cúng đất đó cho thiền sư Nhất Hạnh phát triển pháp môn Làng Mai và chính thầy là người nhận lễ truyền đăng trở thành đệ tử của thiền sư Nhất Hạnh. Việc tăng thân nếu có đề cử ai thay thế, Giáo hội có thể xem xét để giải quyết vấn đề này.
400 tu sinh đó đều là tỳ kheo trở xuống, chưa ai ở vào hàng Giáo phẩm như Thượng tọa, Hòa thượng. Nói họ tấn phong Giáo phẩm không thông qua Giáo hội là không có cơ sở, nếu không muốn nói là chụp mũ. Trong luật ghi, sau mười năm thọ đại giới là có thể gọi bằng danh xưng Hoà thượng được rồi. Vì vậy, ai muốn tham gia vào các công tác Giáo hội thì có thể cần đến cái “Giáo phẩm” ấy. Còn người tu sĩ, thước đo cho Giáo phẩm của họ là đạo đức, chứ không phải dựa vào một cái bằng tấn phong vô tri vô giác.
Sen Việt: Họ cho rằng Làng Mai đề cập sai lệch những vấn đề chính trị của đất nước, đưa lên mạng Internet (Website Làng Mai) một số thông tin sai sự thật về thực tế ở Việt Nam… Những việc làm ấy là vi phạm pháp luật Việt Nam, tạo cớ cho số xấu ở trong và ngoài nước xuyên tạc chính sách tôn giáo của Nhà nước và làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nội bộ GHPGVN.
Khi quy những tội nặng như vậy thì phải nêu đích danh đối tượng và chứng cớ cụ thể mà người đó đã vi phạm pháp luật. Có nghĩa phải nêu rõ cá nhân nào, trong hoàn cảnh nào, động cơ chính trị nào, vi phạm luật nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Thiền sư Nhất Hạnh nêu một số điểm góp ý với Chủ tịch nước trong một cuộc trò chuyện thẳng thắn, chân tình. Anh để cho người ta góp ý, người ta góp ý xong, anh thấy không thuận với suy nghĩ của mình, rồi anh bắt tội người ta rằng “đề cập sai lệch vấn đề chính trị của đất nước”, “vi phạm pháp luật Việt Nam”… thì thật khó tưởng tượng nổi. Đáng trách hơn cả là những tội ấy được đổ lên người 400 tu sinh vô tội.
Trong quá trình xây dựng nhà nước có Bộ thêm vào, có Bộ bỏ đi hay gộp lại. Muốn tiến hành những việc thay đổi đó thì cũng phải có người góp ý chứ. Mình trao cho dân quyền làm chủ, quyền giám sát thì rất nên để dân nói tiếng nói thực của lòng mình.
Sen Việt: Như vậy Công văn 1329 có nhiều điểm bất ổn?
Đây là một công văn mập mờ, nặng về suy diễn và quy kết. Thông báo không ra thông báo, đề nghị không rõ đề nghị, nhưng cách diễn đạt “mệnh lệnh” thì không đổi dù có núp dưới cái bóng của “ý kiến”. Những điều này tôi thấy không khác với sự quy tội cho Làng Mai mà những đệ tử thầy Đức Nghi đã tung ra.
Tôi không hiểu tại sao họ lại “đề nghị GHPGVN có ý kiến chính thức với Làng Mai về việc làm vi phạm pháp luật và trái Hiến chương GHPGVN của họ tại Việt Nam. Thật lạ lùng, nếu họ vi phạm pháp luật thì anh cứ việc chỉ rõ tội trạng của họ ra và xử lý theo pháp luật. Còn họ vi phạm Hiến chương hay không thì Giáo hội sẽ trình bày với anh nếu thấy đó là bức xúc thật sự. Sao anh lại có thể đề nghị một vấn đề mà anh nghe ai đó suy diễn để yêu cầu Giáo hội phải nói đúng như điều anh đã suy diễn?
Trong phần 1 anh nói: “Hoạt động Phật giáo của Làng Mai ở các cơ sở này phải có ý kiến của GHPGVN”. Nhưng sang đến phần 3, anh đã phủ nhận ngay điều mình vừa nói: “Tôn trọng ý kiến của Thượng tọa Thích Đức Nghi, Viện chủ Tu viện Bát Nhã về việc không bão lãnh cho Tăng thân Làng Mai tiếp tục tu học tại Tu viện Bát Nhã, do đó, Tăng thân Làng Mai không còn cơ sở pháp lý tối thiểu để ở lại tại Tu viện Bát Nhã nữa, mà phải rời khỏi Tu viện Bát Nhã”. Giáo hội không bằng “ý kiến” của thầy Đức Nghi, vậy thì anh còn lợi dụng vào Giáo hội này làm gì nữa?
Có thể nói, Công văn 1329 là một văn bản hành chính được ban hành không có căn cứ pháp luật, vi phạm pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Vì ai cũng rõ ngay sau khi thầy Đức Nghi nói không bảo lãnh cho tu sinh nữa, Ban Trị sự đã họp bất thường và thống nhất bảo lãnh cho tu sinh được tiếp tục tu học tại tu viện Bát Nhã. Ban đầu, các ban ngành ở địa phương tỉnh Lâm Đồng cũng đã thống nhất với cách giải quyết này của Giáo hội. Ban Tôn giáo Chính phủ không lấy đó làm căn cứ để giải quyết nguyện vọng chính đáng của 400 tu sinh và hướng giải quyết ổn thoả của Ban Trị sự mà lại theo “ý kiến” thầy Đức Nghi để ra một Công văn vô lý, làm cho sự việc diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Những tu sinh xuất gia tại tu viện Bát Nhã dù họ không có hộ khẩu thường trú thì cũng phải đảm bảo quyền tạm trú hợp pháp của họ chứ không thể trục xuất họ về địa phương. Ai cũng rõ, biết bao nhiêu pháp môn, đạo tràng, tự viện lớn nhỏ trên khắp Việt Nam, người dân đều có quyền tự do tín ngưỡng, tu tập theo pháp môn của mình, không ai có quyền bắt ép họ từ bỏ nó. Thử hỏi ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu Tăng Ni là có hộ khẩu thường trú, không lẽ họ cũng là đối tượng bị trục xuất về địa phương? Tu viện Bát Nhã là tài sản chung của pháp môn Làng Mai do Giáo hội trực tiếp quản lý, nếu có mâu thuẫn về lợi ích mà Giáo hội không thể dung hòa thì mới đưa ra pháp luật xét xử cho công bằng, đúng người đúng tội. Đằng này Giáo hội đang nỗ lực giải quyết, thì Ban Tôn giáo lại ra công văn giống như “mệnh lệnh” và quy cho tu sinh những cái tội không thuộc về họ, đồng thời tiến hành trục xuất họ một cách đầy vô lý và bất công.
Sen Việt: Giáo hội đã phản ứng thế nào với Công văn 1329/BTGCP-PG do ông Nguyễn Thế Doanh ký?
Nói đúng là Giáo hội đã “làm theo” chứ không phải là “phản ứng”. Tôi nghĩ do một số người không đủ điều kiện phân tích Công văn này nên sau đó đã ra những Công văn dựa trên “tinh thần” của Công văn 1329, gây bất lợi cho tu sinh. Hệ quả là sự bạo hành bất chấp luân thường đạo lý đã diễn ra vào ngày 27/9/2009. Tuy đã có một vài điều chỉnh nhỏ ở những công văn sau, nhưng nói như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi là đã làm “vẩn lên không ít dị nghị về việc vô tình hay hữu ý các vị đã tiếp tay cho chính quyền” để đàn áp tu sinh.
Sen Việt: Vậy Giáo hội còn có thể điều chỉnh được sai lầm của mình bằng cách rút kinh nghiệm từ những công văn trước?
Có thể chứ, chỉ cần ra công văn đầy đủ khách quan về tình hình Bát Nhã, đồng thời thông báo rút lại các công văn trước đó. Tôi cho rằng Công văn 1329 của Ban Tôn giáo Chính phủ cũng phải nên nhanh chóng được rút lại. Vì hậu quả của nó đã diễn ra hết sức nặng nề, gây tổn thương trầm trọng đến hình ảnh Giáo hội và gây bất bình đối với dư luận trong và ngoài nước. Danh dự, nhân phẩm của 400 tu sinh đã trực tiếp bị chà đạp, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, cần phải lấy lại công bằng cho họ.
Với những hậu quả gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tôi đã nghe một số luật sư nói rằng tu sinh, thậm chí Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn có cơ sở pháp lý để khởi kiện hành chính đối với Công văn 1329/BTGCP-PG, bởi hầu hết nguyên nhân rắc rối đều bắt nguồn từ công văn này mà ra. Đối tượng gửi đến của công văn đó bao gồm: Văn phòng I, Văn phòng II GHPGVN; Bộ Công an (A 41); UBND tỉnh Lâm Đồng; Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng; BTS Phật giáo tỉnh Lâm Đồng. Rất có thể sức ép của tướng Trần Tư đối với thầy Đức Nghi cũng chỉ bắt đầu sau khi có Công văn này.
Giáo hội nên có kiến nghị đến các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước để họ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong vụ tấn công Ban Trị sự Phật giáo và vụ trục xuất tu sinh ngày 27/9/2009 để giữ vững niềm tin của Tăng Ni, Phật tử về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước.
Sen Việt: Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này và kính chúc thầy an lạc!

Thực hiện: Nhóm Sen Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét